Làm thiết kế thì phải quan tâm tới sản xuất, tại vì mình vẽ ra tưởng đẹp mà không làm ra được thì ôkê, thiết kế của mình chỉ là đồ dởm.

Đúng đúng, khi thiết kế một cái gì đó tớ vẫn hay để tâm tới nhiều thứ hơn là chỉ chăm chăm làm sao cho nó đẹp. Một cái standee thì tựa đề lời dẫn nên nằm đâu đó ngang tầm mắt để người ta dễ đọc khi đứng gần, banner chăng ngang trên cao thì phải xem hiện trường có cái gì che khuất tầm nhìn không để né ra, cái tờ rơi thì thông tin quan trọng cũng nên tránh khu vực ngón tay cái khi người đọc cầm trên tay, làm diecut thì né những chỗ thắt cổ lọ đề phòng rách gãy, vân vân..

Nói chung với tớ, trong một sản phẩm thì tính thẩm mỹ, khả thi và tiện dụng nên chan hoà lẫn nhau. Đừng cái nào lấn cái nào là được. Đồ đẹp thì người ta mới quan tâm chú ý, nhưng vẽ cho đẹp mà không làm ra được thì bể, mà làm ra được nhưng người dùng khó xài cũng bể.

Thiết kế 2d thì hay đi với in ấn và cắt gọt, tớ cũng hay tự làm mockup tại nhà để chụp hình nên sắm được chút chút kinh nghiệm sản xuất. Trước nay làm tớ chỉ ngồi một chỗ, làm xong thì đẩy file đi có người lo thành phẩm. Mà job này lạ lùng mới mẻ chưa làm lần nào, thấy hay ho nên tớ ôm luôn khâu sản xuất, đi trọn hết một quy trình làm ra sản phẩm.

 

1. Làm gì thì cũng phải tính trước

Đây là một cái brochure có popup 3d, lúc mở ra thì cụm 3d sẽ bung ra thành một khối nằm trên bề mặt brochure.

 

Đơn giản nhẹ nhàng, cho nên thiết kế cũng chỉ cần thoả mãn vài yêu cầu nho nhỏ:

•     Lật mở dễ dàng, không bị vướng hay cấn cả khi gập lẫn khi mở.
•     Cụm 3d thiết kế gọn, kích thước vừa phải để khi mở ra vẫn đọc được thông tin in trên brochure, lúc gấp lại không bị ló ra ngoài.
•     Chắc chắn, để khi lật mở nhiều lần không bị gãy, rớt phụ tùng.

Okay, kết hợp với nội dung cần thiết kế, cụm 3d là bản mô phỏng giản lược từ hệ thống lọc xử lý nước. Nên nó phải có đủ một số thành phần cơ bản là bồn nước, khung, ống dẫn, khối lọc, bơm, EDI, tủ điều khiển, vân vân.. Cũng từ đó đẻ ra các vấn đề bổ sung như này:

•     Bố trí đầy đủ các món đó thành một cụm gọn nhất có thể.
•     Bám sát nhất có thể hình dáng & cấu tạo của các thành phần đó.
•     Branding, phải có logo của Organo ở vị trí nổi bật & dễ thấy.

Yeap, sơ sơ là như vậy, cụ tỉ trong lúc thiết kế chi tiết nó sẽ tự phát sinh ra nhiều vấn đề kĩ thuật hơn. Nhưng cứ bắt tay vô làm cái đã.

 

2. Thiết kế

90% phần việc của cái brochure nằm ở cụm popup. Và tớ không thể bắt đầu nếu chỉ hình dung cách làm trong đầu mà không cầm trên tay một cái gì đó giống giống vậy, vì chưa làm cái nào tương tự như vậy bao giờ. Việc đầu tiên tớ làm là kiếm mua 1 cái thiệp 3d, mấy mẫu thiệp như vầy ở nguyễn huệ, mấy khu bưu điện thành phố xung quanh đó bán hà rầm, nhưng chắc là cắt cổ; nên tớ đi nhà sách, mua một cái hình chợ bến thành 60k.

Về cầm cái thiệp mở ra gấp vô nửa buổi, rút ra được 4 điều:

•     Họ không dùng keo cho các mối nối, chỉ có keo ở các chỗ giấy khác màu gắn vào nhau, và 2 chỗ cố định nguyên cụm 3d lên bìa thiệp.
•     Họ không dùng nếp gấp cho 2 mặt vuông góc, các mặt giấy cắt chéo nhau đều được cài cắm bằng cách cắt rãnh lồng vào nhau.
•     Rãnh cắt họ cố định một khoảng rộng dư để cho bề dày 1 tờ giấy xỏ qua và xê xích nhẹ, nhờ vậy mà cụm 3d mở ra gấp vô không bị vướng.
• Không làm các cụm giấy cắt chéo quá dày, nhìn thì đẹp nhưng gấp lại là nó dày cui.

Ôkê, đã biết được nó hoạt động làm sao rồi, bắt đầu vô thiết kế thôi. Đây là bản sketch thô đầu tiên của tớ. Dự định mỗi màu là một layer, đây là cấu tạo phần khung và tủ điện, và tớ cũng chỉ sketch đến đây thôi để làm cơ sở cho các chi tiết nhỏ hơn, chi tiết nhỏ thì sketch trong đầu.

 

 

Và lên illustrator vẽ lại phần khung đó, kẻ luôn hình chiếu bằng để định kích thước. Cái vòng tròn đó, vòng đó đó, nó chính là cái bồn nước. Tớ kẻ lưới vuông đó là các mặt cắt, áp vào vòng tròn lớn nhỏ là ra được chiều rộng của từng mảnh mặt cắt, đem đan carô lại với nhau là nó đảm bảo tròn.

 

 

À, tớ đoán cũng sẽ có ai đó thắc mắc, cái này nó 3d sao không xài phần mềm 3d mà vẽ. Tớ cũng không biết sao nữa, mà lý do chắc đơn giản lắm, tại sao phải 3d khi mình có thể giải quyết bằng 2d :)) Thiệt sự, kiến thức hình học của tớ đủ khả năng để dựng hình chiếu từ hình ảnh mường tượng trong đầu, và trình độ toán học cũng tạm đủ để sai số không lên nổi 2 con số. Thêm nữa, cái này chưa đủ phức tạp để phải cậy tới 3d, gần 30 rồi phải hoạt động tế bào não để không bị lú chứ. Một phút tự khen, xin phép rồi đó nha hahahaha.

Xuyên suốt quá trình vẽ từng mặt cắt vậy là quá trình tính toán, mảnh khung 1a sẽ cài vào khung 1b như nào, các mối cài rộng bao nhiêu để đủ chắc, khe cài rộng bao nhiêu để khi ráp dễ vô mà lúc xài khó tuột. Ngoài ra, tớ cũng phải dự trù luôn loại giấy, định lượng giấy để canh độ rộng của khe cắt, và một chi tiết mỏng thì nó mỏng tối thiểu bao nhiêu để nó không bị gãy gập dễ dàng.

 

3. Làm mẫu

Thường, cắt giấy mà các chi tiết nhỏ và phức tạp như vậy thì ai cũng đi cắt laser. Nhưng mà làm nguyên mẫu vẫn chưa hoàn chỉnh thì tốt hơn nên cắt tay, bằng dao và thước. Tớ dàn các mặt cắt lên từng trang A4, in ra rồi cắt ráp ngay tại trận.

 

 

Kể ra thì, cái bồn tớ làm đầu tiên và phải in đi cắt lại 4 lần. Cấu tạo hình dáng nó đơn giản nhưng có tới 14 mảnh đan ca rô vào nhau, các rãnh cắt phải tính đi tính lại đề ráp được thành một khối chắc mà lỏng: chắc để không bị tuột còn lỏng để gập mở gọn gàng.

 

 

Và đây là bản mẫu đầu tiên, cắt thủ công nhưng gọn gàng đẹp đẽ đâu thua cắt máy heng. Các chi tiết co ống nước đầu tư cắt tỉ mỉ là ra đẹp hết sảy. Đây là bản mẫu ban đầu tớ lên dựa trên hệ thống thật, lúc đó chưa biết cấu trúc hệ thống lọc có bộ phận nào quan trọng nên tớ gom thành một cụm vuông gọn nhẹ.

Và bản mẫu thứ 2 sau khi nhận feedback, bổ sung thêm tủ điều khiển, nguồn điện, cụm EDI và máy bơm, tớ cũng thêm branding vào 2 mặt trước và sau. Chụp dưới nắng chiều đó, đẹp hông 😀

 

 

Mỗi lần làm mẫu là một lần vất vả ở khâu cắt ráp, mất khoảng tầm 3 ngày cho một bộ như vậy. Sau mỗi lần cắt ráp đó, các vấn đề phát sinh lòi ra mà khi thiết kế tớ không lường được:

•     Một vài chi tiết nhỏ có chốt giữ nông, phải khoét sâu thêm để không bị rớt.
•     Những mảnh tiếp xúc với mặt đáy dọc theo nếp gấp phải vạt xéo để khi xếp lại không bị vướng, khi vướng mà cố gấp lại nó sẽ bị gập theo luôn.
•     Có những chi tiết đan ca rô mật độ dày quá khi gấp lại sẽ làm cộm, nếu gấp lại và chồng nhiều đồ nặng lên làm hằn luôn tờ brochure.
•     Lúc gấp lại, những chi tiết chìa ra có thể móc vào nhau, vướng không mở được. Phải hiệu chỉnh lại kích thước hoặc khoảng cách để tránh.
•     2 mảnh đáy phải cắt hụt vào mỗi bên 1mm, khi dán lên brochure chừa khoảng hở 2mm để gập lại không bị cấn.

Khi biết rõ vấn đề rồi thì giải quyết nhanh thôi!

 

4. Cắt laser

Đây là bước đầu tiên của giai đoạn sản xuất, quan trọng vãi nồi, đó là đi tìm đơn vị cắt laser.

Sài gòn thì gì cũng có, nhưng tìm đúng chỗ mới chua. Tớ đã bị mất tiền ngu khi ghé vào một tiệm cắt laser chuyên khắc gỗ, da & vật phẩm kim loại. So với 3 chất liệu trên thì giấy là thứ mỏng manh nhất, và họ thì chuyên khắc thay vì cắt, do vậy các setting máy laser của họ làm tớ tốn hơi nhiều giấy cắt thử, do bị cháy và ám khói.

Tớ đã ngồi với thợ cắt cả buổi chỉ để tìm ra con số công suất tia lửa vừa đủ để không cháy và cách lót nền kim loại sao cho không bị sém. Nhưng có một vấn đề khác phát sinh là hai mảnh cùng kích thước trên file nhưng cắt ra cái lớn cái nhỏ, cảm thấy không ổn tớ đi tìm đơn vị khác.

Đơn vị thứ 2 tớ mang đi cắt laser cho ra mảnh cắt chuẩn kích thước do họ dùng máy lớn hơn, đầu laser chạy 2 trục thay vì bắn xéo từ 1 điểm. Họ cũng có cách kiểm soát cháy sém mặt sau bằng cách lót xốp cách nhiệt, nhưng vẫn xuất hiện vệt cháy ở những chỗ có đường cắt sát nhau, xác suất khoảng 5%. Và con số đó vẫn trong mức cho phép, tớ chỉ cần tăng số lượng lên thành 110%, problem solved!

Ở những rãnh cắt đề đan giấy vào nhau, do máy cắt cỡ lớn nên đầu laser chạy bị giật, nét cắt bị run nhẹ, nhưng vẫn không sao vì ráp xong nó bị che khuất một nửa rồi. Rõ ràng tớ không phải một đứa khó tính mà :>   

 

5. Ráp x 3.14

Tớ đi vắn tắt qua khâu ráp mẫu, đổi màu giấy cụm 3d popup và bỏ qua luôn khâu in brochure, vì chắc hẳn ai cũng biết rồi. Đơn hàng là sản xuất 100 bộ brochure popup, trong 10 ngày.

Theo dự tính bán đầu, tớ chỉ việc thiết kế thôi, phần gia công sản xuất sẽ đi tìm supplier. Nhưng không may là đi tìm đỏ mắt đi hỏi muốn mòn lưỡi chẳng ai chịu làm cái đơn hàng dị dạng với số lượng bèo bọt như vậy. Back up plan có luôn chứ, sẽ tách ra làm phân đoạn: in, cắt và ráp, phần ráp sẽ thuê các bạn sinh viên, và tớ sẽ là đứa ngồi hướng dẫn các bạn quy trình ráp đúng và nhanh nhất. Với back up plan như vậy tớ sẽ khỏi mất công làm file hướng dẫn ráp, cái đó cũng chua, ui nó chát và chua như trái me.

Nhưng chẳng may là đợt đó tớ rảnh, và tớ lười đi tìm, nên.. tớ ráp luôn.

Trước khi ráp, có một khâu nhỏ nhỏ là thêm branding vào cụm popup. Tớ bố trí 2 bảng logo ở về 2 phía, bằng chất liệu đơn giản và dễ dàng – giấy sticker. Do diện tích nhỏ và số lượng không nhiều nên tớ tự sản xuất bằng máy in phun tại gia luôn, màu cũng không đến nỗi sai cho lắm. Và chỉ cần 2 tờ A4 là có dư nhãn để dán cho 100 bộ.

 

 

Ngồi ráp hàng như vậy y chang làm việc part time tại gia, tự mình trả lương cho mình, chỉ có điều lương bỗng bị giảm đi 5 6 lần, vì việc này không cần xài tới não. Do thời gian gấp rút, do nhân lực có hạn nên tớ deal lại thời gian giao hàng một chút, trong 8 ngày đó tớ sẽ hoành thành 50 mẫu và 50 còn lại sẽ được giao ngay khi hoàn tất.

Tớ đã có một chút lo sợ, vì khi ráp những mẫu đầu tiên tớ có đặt đồng hồ, và tốn xấp xỉ một giờ cho mỗi bộ, như vậy nếu một ngày 8h làm việc, tớ mất 13 ngày cho 100 brochure đó.

Nhưng mà tớ cũng không lo lắm, vì với số lượng nhiều, tớ ráp từng nhóm bộ phận trước, rồi từng cụm nhỏ tớ ráp lại với nhau một lần. Và tính ra tớ tiết kiệm được gần 40% thời gian khi ráp kiểu công nghiệp như vậy, khoảng thời gian đó là cho việc mò mẫm đi tìm mảnh nào ghép vào mảnh nào, và sự loay hoay của những lần đầu chưa quen tay.

 

 

Và theo cách đó, đôi tay (tài hoa) này làm vừa kịp, thậm chí còn dư thời gian để bày bừa chụp hình như sau haha.

 

 

Tổng kết

Nói tổng kết nghe như là đang viết báo cáo vậy, nhưng nhìn lại cả một quá trình thì job này quả thật là đáng ghi lại đối với một đứa design. Có cái hay và cũng có cái dở. Tớ có 2 điểm chưa tự hài lòng trong đây, một là đã thoả hiệp với những nét cắt run rẩy của máy laser, vì nếu tớ chịu đi tìm thêm biết đâu sẽ có một đơn vị nào đó cắt siêu đẹp; và thứ hai, tớ không nên là đứa ngồi lui cui ráp, vì lỡ đâu có một job khác siêu to khổng lồ ùa về lúc đang ráp dở, thì sao?

Chung quy lại cũng là tớ lười đi hỏi han tìm kiếm. Nhưng bù lại, cũng có nhiều cái hay và thú vị, những điều phải xắn tay làm mới biết như đã kể trên. Từ lúc ngồi nhận brief còn lưỡng lự chưa chắc mình làm được không, tới giờ ngồi viết case study vẫn còn hãnh diện ồ mình đã làm được nè. Làm gần chuẩn luôn, làm xong tự tin lên nhiều, tự thấy mình xịn sò, tự chấm điểm 9/10 luôn.

Và bài kể lể tới đây là hết rồi. Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc, nếu những gì tớ ba hoa trên đây có giúp ích được gì cho bạn thì tớ rất lấy làm vui hihí. Còn bạn thì sao, bạn có thấy tớ xịn sò không, bạn chấm cho tớ mấy điểm? (nếu bạn chưa xem hình sản phẩm, vào đây nhé)