Nói về bộ đội, tớ chưa từng trong quân ngũ nên làm gì có tí văn nào để kể đâu. Nhưng nói về bộ đội già, tớ có một ít.
“Một ít” là bởi vì, khi tớ biết bộ đội là gì thì ông già tớ không còn là bộ đội nữa. Cái gia đình nuôi nấng tớ toàn bộ những ngày thơ cũng không hề có tí nào gọi là kỉ cương nhà lính, mọi sự khó khăn kỉ luật đến từ vợ bộ đội. Ông bộ đội ngày đó tớ biết chỉ là một ông đảng viên hưu trí kiệm lời, ưa nhậu và lâu lâu cho con tiền mua bia còn dư để ăn vặt.
Qua khỏi thời kì khó khăn sau chiến tranh thì tất cả mọi người lính đều thành những ông chú ông bác, những người qua tuổi lao động. Gọi là hưu trí, là cựu chiến binh, lãnh lương hưu hàng tháng, tới tết có quà. Khu tớ ở có hẳn một cái trụ sở sinh hoạt cựu chiến binh cho mấy ông tụ họp giao lưu, ông già tớ làm thư kí mỗi tháng 2 lần biên giấy mời họp chi bộ đem đi gửi từng nhà. Ngày xưa ổng có cuốn ‘giấy mời’ in sẵn đóng gáy mỗi lần mời thì ghi tên từng người ghi nội dung và ngày giờ địa chỉ, sau này nhà có máy tính tớ bị ổng nhờ đánh máy đi in…
Tớ không rõ sinh hoạt trong hội mấy ông già có ôn lại với nhau kỉ niệm hay không, nhưng ở nhà, suốt cả tuổi thơ tớ chưa từng nghe ổng kể về thời khói lửa.
Không nghe kể không có nghĩa là không có. Ông già tớ chắc chắn đã cầm cây AK và cũng có khi ổng từng sấy sạch một vài băng đạn không biết chừng. Sau bả vai ổng là 1 vết sẹo bầu bầu nhìn giống lông gà, nghe kể là trúng đạn; và bom đạn cũng làm cho ổng nghễnh ngãng một bên tai.

Lưu ý, cây AK là đồ chơi, đôi dép râu là đồ thật nhưng là của con bộ đội
Không nghe kể nên cũng không ai biết ổng đã trải qua những gì. Rượu vào lời ra, lúc ổng nói nhiều nhất là khi ổng xỉn, nhưng xỉn rồi thì lè nhè, lôi thôi, mệt, tớ không nghe, thành ra vẫn không biết. Những ngày còn trẻ tớ không dành nhiều quan tâm không để ý, mãi sau nhớ ra mà ngẫm lại, cái tính gai góc gan lì của ổng chắc hẳn được trui rèn từ khói lửa mà ra. Không kêu ca không nói nhiều, khó thì khó, lẳng lặng mà làm, xong mới thôi; phẩm chất rất đàn ông và không kém phần bộ đội, đáng quý nhưng mà cũng có nhiều khi làm phiền lòng người phụ nữ.
Tớ đã từng nói đâu đó trước đây rằng tớ rất ưng cái sự gai góc như vậy. Đến giờ vẫn vậy.
Sự gai góc trong mưa bom bão đạn là một phẩm chất sáng ngời, nhưng trong đời thường thì không hẳn, và cũng may rằng cuộc sống thời này không nhiều sóng gió để gợi lại những rắn rỏi năm xưa. Ông bộ đội già nhà tớ về làm một ông già hiền lành, thương yêu và chăm lo cho gia đình theo đúng kiểu gai gai. Sẽ không ai nhận ra sự chăm lo đó của ổng nếu không đi thật thậm nhìn thật lâu.
Ông già tớ có một cái kho đồ nghề, cái kho đó đủ để cân tất cả mọi thứ cần thay cần sửa trong nhà, và có khi dư ra để cân luôn cho hàng xóm, cho thợ điện thợ hồ qua mượn. Lâu lâu tớ thấy ổng tha về một cái gì đó mới mà không biết là gì, và rất thường xuyên tớ bắt gặp ổng lui cui cưa đục chế cháo các thứ. Trong những lần như vậy, có rất nhiều lần tớ bị bắt ra phụ giúp; bê phụ cái này, đỡ hộ cái kia, có lúc đang ngồi học hoặc chơi game bị gọi giật ngược ra chỉ để xỏ một đầu dây gân từ trong ra ngoài lỗ khoan cho ổng. Đã nhiều lần tớ rất hậm hực vì bị phiền, cái thằng ranh năm đó mới mười mấy hai mươi, đang rất bận với việc lấy số, lấy nét trong cái thế giới nhỏ của riêng mình.
Khi thế giới nhỏ đó mở rộng ra, tớ dần hiểu được; cái ổ điện trên tường không tự nhiên hiện ra khi nhà mới mua nồi cơm điện, và cái tấm đan bê tông nó không tự mình đan lấy khi cái bếp dầu nhà tớ đổi thành bếp ga đôi. Thì ra đó là cái mà người ta gọi là đàn ông xây nhà bàn bà xây tổ ấm.
Thì ra ông già tớ còn có nhiều công năng khác, hơn là chỉ dắt xe đi rồi về vào đúng bữa cơm.
Việc ổng lui cui chế cháo linh tinh, ngoài cho gia đình, ổng còn lui cui táy máy những cái mà tớ cũng không rõ mục đích là gì, chắc là để cho vui. Cũng là cái thằng nhãi ranh năm xưa không hiểu vì sao lại vậy, bây giờ đã thấy cảm thông đôi chút vì bản thân mình cũng đang dần như vậy.
Có những việc tay làm chỉ để cho đầu óc đỡ lôi thôi, cho ngày trôi đi hết, cho đỡ trống những khoảng vu vơ. Thật vậy, tớ từng thấy ổng lặn lội đi mua keo chó và cao su về tự cắt dán lại cái mặt vợt bóng bàn, quá cồng kềnh so với việc đi mua một cặp vợt khác. Hoặc việc ổng tha inox về cặm cụi cả buổi gò thành một cái ngăn treo đựng xà bông gắn trong nhà tắm, thay vì chỉ cần ra chợ lớn mua một cái rổ bằng nhựa người ta đúc sẵn…

Nói có sách mách có chứng luôn, một cái hộp inox từ chính tay bộ đội già nhé!
Người ta thường không cảm thấy giá trị cho đến khi mất đi. Tớ cũng không ngoại lệ. Dạo này tớ phát hiện ra một tiệm hớt tóc lộ thiên hẻm, là một ông chú cựu binh ra mở cắt cho vui. Ông chú kê thêm cái bàn trà, không có khách thì ngồi may giày may túi, ổng mời tớ uống ly trà mỗi khi ghé cắt. Trò chuyện một lúc thì ra ông chú cũng là bộ đội về hưu, cũng là đồng hương với nhà tớ, cũng có con trai chưa vợ.
Ông chú hớt tóc trên đây cũng không liên quan lắm đến câu chuyện ngày hôm nay, chỉ là có một chút tương đồng làm tớ chợt nhớ nên kể. Và cũng mỗi lần ghé qua cắt tóc thấy một ông già ngồi lui cui trong chiều, thấy yên bình và thấy gợi lại một hình ảnh nào đó rất quen.
Tự nhiên thấy nhớ ông bộ đội già…
________
18.02.2023
Fuji Xtra 800 oudated, 1/30 f/3.5