Con bộ đội

10-02-2023

Tớ thường hay đùa với một vài người về cái sự gọi là tháo vát của mình, con bộ đội mà. Câu đùa nửa đùa nửa thật và có màu gì đó tự châm biếm chế giễu. Nhưng quả thật tớ là con bộ đội.

Ông già tớ đi lính, và chi tiết hơn, ông già tớ là nông dân bắc kì đi lính. Hai ông bà là một điển hình của gia đình thời chiến năm xưa, chồng đi lính vợ ở nhà tăng gia sản xuất. Đúng ra nếu theo công thức thì tớ phải là một thằng cu ở cùng mẹ chờ ba về mỗi đợt về phép, trưởng thành với ít ỏi kí ức về hình dáng người cha trong nhà.

Nhưng ông bà sinh tớ ra trong thời bình, ơn trời tớ không phải sống qua thời kì tăm tối của đất nước. Hình ảnh ông già tớ từ những ngày tớ có được nhận thức là một ông vá xe, ông thợ may vải bạt, ông bảo vệ, ông cựu chiến binh, ông đàn ông trong gia đình quán xuyến chuyện nhà cửa điện nước, ông hay đi nhậu để vợ chửi hoài. Không hề có hình ảnh siêu nhân hay anh hùng gì trong tiềm thức của tớ, ổng chỉ là một ông già hói đầu bình dị. Bà già tớ kể, thời mới hòa bình ổng chuyển công tác sang công an, lên đến phó phường rồi gặp bất trắc gì đó nên về hưu. Nói chung lại, tớ là con bộ đội; không phải con công an, con ông cháu cha gì sất.

Theo như những gì tớ biết, tớ đọc và tớ được nghe. Bộ đội chỉ oai khi thời chiến thôi, họ oai hùng hiên ngang trong khi ca cách mạng, trong những thước phim lịch sử. Hòa bình lập lại, bộ đội về vườn, còn ai để đánh nhau nữa đâu, nộp lại súng và sống đời nghèo. Thời bao cấp họ có mấy câu vè như này:

Đầu đường đại tá vá xe
Cuối đường trung tá bán chè đỗ đen
Giữa đường thiếu tá bán kem
Về hưu đại úy thổi kèn đám ma
Thượng úy lại đi buôn gà
Trung úy về nhà bám đít con trâu
Hỏi rằng thiếu úy đi đâu
Ba lô lộn ngược xuôi tàu bắc nam

Nghe cay mà thấm. Nhưng đúng. Bộ đội về vườn giữa cảnh nghèo thời thế, biết gì thì làm đó, không biết cũng phải cố biết để mà làm, để mà gồng gánh tiếp một gia đình mình bỏ lại sau khi lo tròn việc nước. Bộ đội buông cây súng xuống là gần như mất trắng, ông nào không được công tác tiếp thì bắt đầu lại từ con số không. Đem cái pho mát đó áp lên ông già tớ là y đúc một khuôn. Sai đi đâu được.

Không nói nhiều về lịch sử nữa, để tớ tóm gọn lại nha. Nói chung là bộ đội thì thường nghèo, nghèo thì việc gì cũng đến tay, gì cũng làm và gì cũng phải làm.

Tớ nhớ ngày còn nhỏ, ông già tớ làm đủ thứ trong nhà. Ổng làm từ những việc ai cũng làm cho đến những việc người ta thường thuê thợ về làm. Ổng có cả một xe, một thùng đồ nghề, thay vì một hộp nhỏ như mấy gia đình bình thường. Những món thay vì mua thì ổng làm xừ luôn. Ổng đẻ 3 đứa con thì trong nhà có mỗi 1 cái bàn học xếp ghế bằng gỗ nhìn giống đồ mua, sau ổng tha đâu về mớ gỗ, clone lại thành cái thứ 2, nhìn phèn hơn nhưng công năng y xì đúc. Cái máng xối cũ ngày xưa ổng lượm đâu về gắn dưới hiên nhà, tôn cũ lâu ngày nó sét rồi thủng, ổng đi tha tấm tôn khác về gò lại gắn nối vào rồi xài tiếp. Nồi chảo trong nhà gãy quai ổng chế đồ đóng lại xài như chưa từng bị lỗi.

Vài trong số nhiều món đồ của ông bộ đội già còn lại, không bao gồm con mèo, và cây AK là đồ chơi thôi nhé!

Tớ rất nể đức tính đó; hư không phải là bỏ, không có thì phải làm nó mới ra. Đức tính rất-chi-là-bộ-đội gọi tên là tháo vát. Đức tính có mùi nghèo trong một khoảng thời gian và không gian nhất định, đôi khi không có gì để tự hào mà cũng có khi rất đỗi tự hào. Đức tính này tiếng anh tớ nhớ có một cái quote nghe hãnh diện cực: ‘make something out of nothing’, ‘nothing to something’, kiểu vậy.

Tớ đã sống trọn một tuổi thơ trong ngôi nhà tự-tay-làm; khi lớn, khi đi làm, khi đã khá hơn, khi được tiếp xúc và hiểu biết hơn, tớ gật gù nhận ra là, ừ thật ra mình không hẳn là phải tự tay làm nếu mình không nghèo nữa. Mình có thể trả tiền cho người khác làm việc đó, bằng số tiền mà một người khác nữa trả cho mình khi mình làm việc. Có tiền thì thuê người khác làm cho nhàn thân, thời gian đó mình đi làm việc khác kiếm ra tiền vẫn hơn. Việc ai người đấy làm, dòng tiền lưu thông trong xã hội, quaoooo, chân lý!

Nhưng, đâu đó trong trái tim tớ vẫn thích tự tay làm. Cái gì tự tay nó vẫn tình cảm hơn là vung tiền để có, như cái cách ông già tớ đóng cho đàn con cái bàn học, sửa cho vợ mình cái quai chảo, vá cho gia đình mình chỗ tôn thủng trên đầu. Ở cái thời thế mà đồng tiền là thước đo giá trị, người ta có khi ưu ái dành thời gian cho những việc hái ra tiền và cho bản thân hơn là dành nó cho những người mình thương yêu. 

Vài món khác trong số nhiều món đồ của ông bộ đội già còn lại, trộn thêm ít đồ của con bộ đội

Tớ đã không còn những ngày được nhìn thấy ông già lui cui sửa những món đồ lặt vặt trong nhà nữa. Chẳng biết là xui hay hên nhưng bà già tớ còn thấy, chỉ khác mỗi cái đầu hói láng bóng thay bằng mái tóc đen. Di sản ông già tớ để lại là trọn bộ đồ nghề, một phần hai sự tháo vát và một thằng oắt lấy kềm kẹp cây đinh để đóng thay vì cầm tay không.

Tuy méo mó nhưng vẫn ra hình hài, vẫn còn mừng vì mình được việc. Tớ mãi mãi sẽ không bao giờ tháo vát được như ông bộ đội già nhà tớ, nhưng cũng còn may, di sản ổng để lại không đến nỗi để những người phụ nữ trong nhà phải cố sức làm những việc đàn ông. 

Con bộ đội bằng một nửa bộ đội già là mừng!

________

10.02.2023
Fuji Xtra 800 oudated, 1/30 f/4