Hôm bữa mượn bạn được cuốn Mắt Biếc đọc, vì nó sắp ra phim mà tớ thì còn chưa được đọc truyện. Giờ thì đọc rồi, nhớ trong đó chú Ánh có kể đoạn thằng Ngạn đi tắm với ba ở giếng làng, gặp Hà Lan cũng tắm và nó rắp tâm dòm trộm. Đoạn đó kể hay vãi, thằng nhỏ ngây ngô nhìn nhỏ bạn lấp lánh dưới ánh trăng, bồng bềnh như bay; xong kết luận luôn là ban ngày con gái chạy nhảy, tới đêm tụi nó bay. Đoạn đó kể thấy tâm tư đúng thiệt trẻ con lắm lắm, mà hình ảnh đó đẹp thiệt đẹp.
Tớ cũng là fan chú Ánh, nhiều người nói chú Ánh là nhà văn của tuổi thơ, tớ đồng tình. Đọc mấy truyện rồi, luôn có 2 mạch diễn biến thời nhỏ xíu và lúc lớn lên. Mà hay lắm, tớ đọc truyện của chú toàn chữ nhưng trong đầu là hình. Truyện chú viết nhiều vào những năm 90, tớ cũng 9x đời đầu nên vô tình những ngày tớ quần đùi rách đít cũng không xa lời văn của chú là mấy. Cho nên văn của chú tớ mường tượng được, gọi là gần gũi và dung dị luôn. Tuổi này tớ cũng ngấp nghé già mà cũng chơi vơi trẻ, bắt đầu biết loay hoay nhìn tới và nhìn lui, trúng ngay văn chú Ánh dạt dào, xong tuổi thơ trở lại, phê lắm.
Ánh trăng chú kể, theo tớ nghĩ sẽ có nhiều hình ảnh mường tượng ra, sơ sơ như vầy hé. Sẽ có một ánh trăng xanh bạc như trong mấy phim châu âu châu mỹ, ánh trăng sáng lưng chừng nhuộm xanh gần hết không gian, hơi hơi mờ ảo, bóng nước loang loáng dập dềnh. Một ánh trăng khác thì ngà ngà trắng, phủ dịu nhẹ, nhuộm đều không gian nhưng người thì không, sẽ có nguồn sáng nào đó làm một bên dáng người ta sáng rõ lên tách bật. Hoặc là một số ánh trăng rõ rệt, ngang lưng, ngang vai, ngang đầu, hoặc đầu súng trăng treo. Chú Ánh không tả kỹ ánh trăng, chỉ nhìn trộm bằng mắt nhìn của thằng con nít Ngạn, mọi hình ảnh đều từ người đọc vẽ ra, hiền hoà dịu nhẹ.
Tớ đã định ghi ‘tớ thì khác’, nhưng sực nhớ ra mấy cái tớ kể bên trên cũng là từ miệng mình chứ không phải là mường tượng của một ai. Ánh trăng tớ hình dung ra khác, bị vì nó bước ra từ tuổi thơ thật. Và nó không hề giống bất kì hình ảnh nào kể trên, kề cả lên google hình ảnh search từ khoá moonlight cũng không có cái nào trùng khớp.
Ánh trăng tớ nhớ nó nhờ nhờ. Thiệt vậy, trăng sáng rõ nhưng mọi thứ bên dưới đều nhờ nhờ. Đó là khi tớ ở quê, gần hai chục năm trước. Quê tớ ngoài bắc, cũng kiểu dạng thôn quê điển hình, cũng cây đa giếng nước đình làng có đủ, nhà này cách nhà kia thửa ruộng, anh em chú bác tối rảnh ghé thăm nhau thì đi qua dăm bảy cánh đồng. Tớ đã được đi trên con đường như vậy, lúc đó bóng đèn tuýp còn chưa về nhiều, nhà người ta đa phần vẫn cắm bóng dây tóc, điện thì chập chờn lúc yếu lúc mạnh, ánh sáng đèn hắt ra chưa đến cổng đã tối mù. Con đường đất không có ánh đèn, tù mù tịch mịch dưới trăng; từ trong nhà nhìn ra đen kịt, nhưng ra ngoài rồi mắt quen bóng tối thì nhìn rõ mặt nhau. Ánh trăng phủ đều hết lên mọi thứ, cái cổng, bờ rào, chuồng trâu, cửa sổ, bới rơm, đến bãi cứt bò dưới chân cũng thấy, nếu thang đậm nhạt là từ 1 tới 100 thì mọi thứ dưới ánh trăng kia bắt đầu từ 91. Vẫn tối đó nhưng vẫn nhìn thấy nhau, không rực rỡ, không loang loáng, bóng nước dưới trăng cũng chỉ dập dềnh nhè nhẹ.
Tớ đón nhận ánh trăng đó bằng vai vế của thằng trai thành phố về quê chơi, lúc đó cũng chẳng quan tâm mấy, chỉ biết ở quê tối, ra ngoài cũng tối, không có đèn mà còn thấy được đường đi, cũng không hề biết đó là nhờ ánh trăng. Lúc đó tớ chơi một mình, bị chọc hoài tại nói giọng miền nam, người lớn chọc một kiểu trẻ con chọc một kiểu; ở sài gòn thì bị mấy đứa trong xóm chửi bắc kì, xong về quê bị phân bì giọng nói.
Hôm có trăng thì đi tay không, hôm trăng non hay trăng lặn thì xách đèn. Cái đèn pin huyền thoại chắc ai cũng biết, cái đèn bằng sắt (hay kim loại gì đó) gắn 2 cục pin đại, có pha đèn với kính thuỷ tinh và gắn giữa là cái bóng dây tóc ngàn rưỡi. Đèn nhà nào cũng có, cứ đi qua nhau chơi hôm quên đề lại ngày sau ghé lấy, bình thường. Cái đèn đó lúc yếu pin nó cháy xụi lơ, vui lắm.
Có những tích truyện xửa xưa kể lại, các vị hiền tài hay thần đồng hiếu học làm thơ đọc sách dưới trăng. Thấy cũng thi vị đó nhưng tớ không biết là họ có đọc nổi chữ trên giấy hay không, lúc đó còn nhỏ lắm, không nhớ rõ hình ảnh, giờ vẫn tự hỏi ánh trăng soi lên thành giếng thì có đủ để đổ bóng xuống đất hay không. Chỉ nhớ những đêm tối tịch mịch xào xạc lá cây với gió, ngồi sau xe đạp dập dềnh nhìn những cái bóng cây màu đen trôi ngược trên nền trời xám tối, không có bạn thân, không có người yêu thuở nhỏ. Chỉ có con mèo con chó đề chơi chung, nhưng mà tới đêm là tụi nó lẩn đi đâu mất chỉ còn nghe tiếng sủa, tiếng meo, tiếng ụm bò; căng mắt nhìn quanh để tìm mà chỉ thấy ánh đèn nhà ai chớp tắt sau lá cây, đỏ hoe đỏ hoét.
Nói chung là tối.
Và lúc đọc xong Mắc Biếc, khi truyện lên phim, tớ trông chờ cảnh phim đi tắm giếng làng. Đề xem họ tái hiện ánh trăng đó như nào, đề xem người yêu thuở nhỏ của Ngạn bay trong làn nước ra sao. Để đem ra so, so coi liệu ánh trăng của họ có khác ánh trăng của mình đến nhường nào.
. . .
Tự nhiên nhắc ánh trăng cái nhớ nhiều, muốn kể về làng quê mình hồi đó so với bây giờ khác xa lắc lơ. Mà tớ dẫu gì cũng là con thành phố, tớ nhìn bằng một lăng kính khác, tâm tư khác mà tình cảm cũng khác. Nên chắc thôi, vì kí ức hồi nhỏ đến bây giờ phai đi nhiều rồi, thiệt. Đến cả một bài thơ mẹ tớ hay đọc cho nghe lúc nhỏ, nghe thuộc lòng mà bây giờ chỉ nhớ mỗi một câu. Tớ nhờ google kiếm lại, hôm nay văn thơ lãng mạn khiếp đảm.
đèn khoe đèn tỏ hơn trăng
đèn ra trước gió còn chăng, hỡi đèn
trăng khoe trăng tỏ hơn đèn
cớ sao trăng phải chịu luồn đám mây
. . .
Trăng chiều bữa hổm đi cần giờ chạy về bắt được
Kodak200, 1/15 f/1.8